Vài tháng trở lại đây, hầu hết chuỗi nhà thuốc lớn đều tích cực tuyển dụng. Mức lương trung bình cho vị trí dược sĩ trung cấp, chịu trách nhiệm tư vấn và bán thuốc tại các cửa hàng của An Khang, Long Châu hay Pharmacity dao động từ 5 đến 8 triệu đồng.
Nhiều công ty sản xuất và kinh doanh dược phẩm cũng tấp nập đăng tuyển trình dược viên với mức lương từ 10 đến 15 triệu đồng. Riêng các vị trí quản lý vùng, trình dược viên hay quản lý bộ phận tiếp thị được một số đơn vị tuyển dụng mới đề nghị lương từ 15 đến 30 triệu đồng.
Báo cáo về tuyển dụng trong ngành dược và thiết bi y tế do Navigos Group công bố mới đây cũng cho thấy, các vị trí khối thương mại, thị trường luôn có nhu cầu tuyển dụng nhiều tại các công ty dược. Cụ thể, 51% nhà tuyển dụng nói luôn có nhu cầu tuyển trình dược viên. Tiếp theo là các vị trí như quản lý kinh doanh khu vực, phát triển thị trường, dược sỹ.
Một nhân viên bán thuốc tại cửa hàng của An Khang ở quận 9, TP HCM. Ảnh: Quỳnh Trần.
Tác động của Covid-19 cùng các kế hoạch phát triển dài hạn đã góp phần thúc đẩy nhu cầu nhân sự của các nhà thuốc lẫn hãng được. Theo Kantar Vietnam Worldpanel, doanh thu kênh nhà thuốc và quầy thuốc tăng khoảng 164%-168% trong tháng 2/2020 so với cùng kỳ 2019.
FPTS phân tích, động lực tăng trưởng nhờ vào nhu cầu mua khẩu trang, nước rửa tay, các sản phẩm vitamin và tăng cường miễn dịch trong mùa dịch tăng cao. Ngoài ra, giai đoạn này, nhiều khách hàng cũng có nhu cầu tích trữ thêm các dòng thuốc phổ thông như giảm đau - hạ sốt, thuốc ho, dung dịch nhỏ mắt - mũi.
Về dài hạn, kế hoạch mở rộng chuỗi của các thương hiệu nhà thuốc lớn cũng giúp thị trường tuyển dụng dược sĩ trung cấp để bán thuốc và dược sĩ đại học để huấn luyện, quản lý chuyên môn trở nên sôi động.
Đầu tháng 2 năm nay, Pharmacity công bố hoàn tất việc gọi thêm 31,8 triệu USD và đặt mục tiêu mở mới 350 cửa hàng, nâng tổng số cửa hàng dự kiến lên 700 trong năm 2020. Trong khi đó, FPT Retail đặt kế hoạch mở thêm 50 cửa hàng Long Châu mới trong năm nay, tăng số lượng lên hơn 70.
Tuy nhiên, nhân sự ngành dược, bao gồm sản xuất và thương mại nói chung được 81% nhà tuyển dụng trong khảo sát của Navigos đánh giá là "khan hiếm nguồn ứng viên đạt yêu cầu". Một số thách thức khác cũng được đề cập như khó kiểm tra năng lực của ứng viên, ứng viên có thể đồng thời làm việc tại nhiều công ty cùng lúc.
Navigos cũng nhận định, chế độ lương thưởng, phúc lợi của ngành dược khá hấp dẫn so với thị trường. Nhân sự ngành này thể hiện xu hướng gắn bó và ổn định hơn khi có đến một nửa số người được hỏi cho biết sẽ ở lại trên 3 năm. Trong đó 24% chọn sẽ ở lại từ 3 - 5 năm; 28% chọn ở lại trên 5 năm.
Trong bối cảnh nhiều ngành kinh tế bị ảnh hưởng của đại dịch thì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dược phẩm có nhiều thuận lợi. Theo FPTS, cơ cấu tài chính an toàn là lợi thế của đa số các doanh nghiệp ngành này. Các doanh nghiệp dược không phải chịu áp lực trả nợ cao trong hoàn cảnh nền kinh tế bị đình trệ bởi dịch bệnh.
"Ðây được xem là thời điểm 'vàng' để doanh nghiệp dược, thiết bị y tế tại Việt Nam phát triển vượt bậc", ông Gaku Echizenya, Tổng giám đốc Navigos Group Việt Nam, nhận xét.
Theo ông này, các yếu tố mang tính "thiên thời" bao gồm nền kinh tế tăng trưởng liên tục, thị trường tiêu dùng trưởng thành hơn, nhận thức về sức khỏe và hành vi sử dụng các sản phẩm dược của người dân thay đổi theo hướng tích cực, nhân lực ngành dược có chuyên môn cao.
"Tuy nhiên, thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao và chiến lược giữ chân nhân tài chưa đạt hiệu quả vẫn là rào cản lớn đối với doanh nghiệp dược để bứt phá", ông Gaku Echizenya đánh giá.
Viễn Thông